
ĐẦU TƯ DỰA TRÊN CÁC NGUYÊN TẮC KHÔNG DỰA VÀO CẢM XÚC
Jesse Livermore, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nổi tiếng đã kiếm được cũng như thua lỗ hàng triệu USD trên thị trường chứng khoán, từng nói:” Chỉ có hai loại cảm xúc trên thị trường là hy vọng và lo sợ. Vấn đề là bạn hy vọng khi nên lo sợ và bạn lo sợ khi nên hy vọng.
Tại sao Livermore lại nói “ Hi vọng khi bạn nên lo sợ” và ngược lại?
Khi cổ phiếu giảm xuống 8% so với giá mua vào, bạn đang bị thua lỗ và bạn hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Nhưng đáng ra bạn nên lo sợ vì rất có thể bạn sẽ thua lỗ lớn hơn. Điều bạn nên làm là bán cổ phiếu đi để tránh thua lỗ.
Khi cổ phiếu tăng giá và bạn đang kiếm được tiền, bạn lại lo sợ có thể bị mất lợi nhuận. Vì vậy, bạn bán ra quá sớm. Nhưng thực chất ra giá cổ phiếu tăng là dấu hiệu của sức mạnh và cho thấy bạn có thể đúng.
Bạn yên tâm là điều đó không đi ngược lại với bản tính con người!
Dù đầu tư vào lĩnh vực nào, bạn cũng sẽ hành động dựa trên cảm xúc và thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ. Nhưng thị trường không biết bạn là ai. Chính xác là thị trường không quan tâm bạn nghĩ gì hoặc muốn thấy điều gì đang diễn ra ở bạn.
Bản tính con người được gắn chặt với thị trường, và những cảm xúc như cái tôi, tính cả tin, sự lo sợ và lòng tham vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và tôi nghĩ nó tới tận sau này.
Vậy làm thế nào để vượt qua những phản ứng cảm tính, tự nhiên này?
Theo kinh nghiệm của tôi, cách duy nhất là thiết lập các quy tắc mua và bán dựa trên cách thức hoạt động của thị trường, không dựa trên các quan điểm cá nhân hay định kiến của người khác. Cũng như không dựa trên quan điểm cá nhân của bản thân nếu chưa thiết lập được bộ quy tắc nói trên.
Tiếp theo, nên nghiên cứu các mô hình hoặc mô tả sơ lược về những cổ phiếu nổi bật thay vì nghe người khác chia sẻ, đồn đoán. Điều này sẽ dẫn bạn tới dần với công thức chỉ dẫn tìm kiếm những cổ phiếu hàng đầu trong tương lai.
Cuối cùng là loại bỏ những thói quen không tốt của bản thân như:
- Bị các cổ phiếu có thị giá thấp hấp dẫn một cách thái quá, ý tưởng mua một cổ phiếu có giá 5.000đ thì ngồi đợi lên 10.000đ nghe có vẻ hấp dẫn X2 lần tài khoản. Nhưng trong thực tế điều này không phải dễ dàng.
- Không thừa nhận sai lầm của bản thân và chỉnh sửa. Điều này khá khó do không ai muốn thừa nhận sai lầm của mình. Chỉ khi bạn biết mình sai ở đâu và chỉnh sửa lại phương pháp sau này bạn mới có thể thành công được.

